tiếng Việt tiếng Anh
Đăng nhập
Chào mừng đến với website Liên minh hợp tác xã Quảng Nam.

Loay hoay phát triển kinh tế tập thể

(05/08/2021). Số lượt xem:992

Những năm qua, tỉnh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhằm tạo nguồn lực để hợp tác xã (HTX) phát triển và đến nay đã hết hiệu lực. Nghiên cứu tình hình thực tế và kết quả triển khai thời gian qua, Quảng Nam dự kiến ban hành những chính sách hỗ trợ mới, theo hướng đáp ứng cơ bản nhu cầu của HTX với chủ trương tăng cường đổi mới và đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể. Đây được xem là dịp để nhìn lại những khó khăn cũ của loại hình kinh tế tập thể, trước “cơ hội” mới.

Trụ sở làm việc hư hỏng nặng nhưng nhiều năm nay HTX Nông nghiệp Duy Phước (Duy Xuyên) không thể tiến hành sửa chữa vì vướng quy hoạch. Ảnh: S.ATrụ sở làm việc hư hỏng nặng nhưng nhiều năm nay HTX Nông nghiệp Duy Phước (Duy Xuyên) không thể tiến hành sửa chữa vì vướng quy hoạch. Ảnh: S.A

"BỎ THÌ THƯƠNG, VƯƠNG THÌ TỘI"

Ở Quảng Nam rất ít những mô hình HTX kiểu mẫu với quy mô lớn như một số địa phương trong cả nước. Nhiều HTX nông nghiệp thành lập từ hàng chục năm trước, đến nay đã chuyển đổi phương thức hoạt động theo Luật HTX 2012 nhưng vẫn cứ loay hoay, cầm chừng trong sản xuất - kinh doanh với con người cũ và cách quản lý cũ.

Hoạt động cầm chừng

Theo Liên minh HTX Quảng Nam, trong tổng số 459 HTX đang hoạt động ở các lĩnh vực trên phạm vi toàn tỉnh, năm 2020 các ngành chức năng tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá tình hình sản xuất - kinh doanh của 311 HTX. Kết quả cho thấy, có 130/311 HTX xếp loại khá, tốt (chiếm tỷ lệ 41,8%); 141/311 HTX xếp loại trung bình (chiếm tỷ lệ 45,34%); 40/311 HTX xếp loại yếu (chiếm tỷ lệ 12,86%).

Ông Trần Văn Chạy - Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Phong (Điện Bàn) cho biết, đơn vị thành lập từ năm 1980 với các loại hình dịch vụ chủ yếu là thủy lợi, điện phục vụ bơm tưới đất màu, điện thắp sáng, cung ứng những loại vật tư cho sản xuất nông nghiệp.

Năm 2015, HTX chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX 2012 và từ đó đến nay các gói dịch vụ cứ giảm dần. Hiện HTX chỉ hoạt động với 2 gói dịch vụ gồm thủy lợi và điện bơm tưới đất màu, còn các dịch vụ khác không đủ năng lực điều hành và khả năng tài chính.

Theo ông Trần Văn Chạy, do các gói dịch vụ cắt giảm nên năm nào HTX cũng thua lỗ 70 - 80 triệu đồng và phải nhờ UBND xã hỗ trợ. Trước câu hỏi “Vì sao thua lỗ liên tục nhưng HTX vẫn cứ tồn tại, không tiến hành giải thể?”, ông Chạy nói: “Hằng vụ, nông dân địa phương sản xuất 163ha lúa và 450ha cây trồng cạn các loại. Nếu HTX giải thể thì đơn vị nào đứng ra lo chuyện nước tưới cho cây trồng? HTX tồn tại là để phục vụ sản xuất nông nghiệp, cái lợi lớn nhất là đảm bảo năng suất, sản lượng cây trồng cho người dân. Và, nếu HTX giải thể thì không đảm bảo hoàn thành tiêu chí số 13 để Điện Phong đạt chuẩn xã nông thôn mới”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Quang cho hay, hiện nay mỗi vụ đơn vị phục vụ nước tưới cho 111ha đất lúa và 25ha đất màu. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh thấp, mức thu phí thủy lợi nội đồng không cao, đặc biệt là thời tiết ngày càng diễn biến cực đoan nên buộc phải bơm chống hạn liên tục khiến tiền điện và chi phí xăng dầu tăng mạnh. Từ đó, hằng năm HTX phải bù lỗ hơn 100 triệu đồng đối với dịch vụ thủy lợi. “Nhiều năm bù lỗ nhưng chúng tôi không thể cắt bỏ dịch vụ thủy lợi. Bởi, đây là gói dịch vụ thiết yếu phục vụ nhân dân sản xuất” - ông Thành nói.   

Chuyển đổi vẫn ì ạch

Từng là “cánh chim đầu đàn” trong phát triển kinh tế tập thể của tỉnh nhưng từ sau chuyển đổi mô hình đến nay, HTX Nông nghiệp Duy Phước (Duy Xuyên) liên tục đi... xuống. Ngoài những khó khăn do tác động kinh tế thị trường, ở một khía cạnh khác, HTX này lại gặp rắc rối khi có trụ sở và nhà kho với quy mô diện tích lên đến 2.280m2 nhưng không thể phát huy hiệu quả trong kinh doanh, đặc biệt là dịch vụ liên kết sản xuất lúa giống hàng hóa với doanh nghiệp.

Ông Lê Trung Nam - Giám đốc HTX Nông nghiệp Duy Phước cho biết, sau khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 của xã thì trụ sở HTX nằm trong quy hoạch chuyển đổi đi chỗ khác để nhường chỗ cho Trường Tiểu học số 1 Duy Phước. Trong khi đó, đã gần 2 nhiệm kỳ trôi qua, việc hoán đổi 2.280m2 đất của HTX đến nay vẫn chưa thực hiện được do nhiều vướng mắc, dẫn đến HTX không thể di dời cũng chẳng thể sửa chữa, nâng cấp phục vụ sản xuất kinh doanh.

Thiếu vốn đầu tư lắp đặt hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất là thực trạng chung của nhiều HTX trên địa bàn tỉnh. Ảnh: S.A
Thiếu vốn đầu tư lắp đặt hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất là thực trạng chung của nhiều HTX trên địa bàn tỉnh. Ảnh: S.A

Ông Đặng Văn Tính - Trưởng phòng Kế hoạch & kiểm tra của Liên minh HTX tỉnh cho biết, trong tổng số 459 HTX hiện có trên địa bàn Quảng Nam, có 345 HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp (chiếm tỷ lệ 75,1%). Hiện hầu hết HTX nông nghiệp kiểu cũ của tỉnh (khoảng hơn 100 đơn vị) đã chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX 2012.

Theo bà Nguyễn Thị Mai - Phó Trưởng phòng Phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam), một số HTX nông nghiệp sau chuyển đổi vẫn còn lúng túng trong định hướng hoạt động, phương thức hoạt động sản xuất - kinh doanh chưa có sự thay đổi rõ nét. Các HTX này khi chuyển sang cơ chế mới đều ở điểm xuất phát thấp, cơ sở vật chất phục vụ sản xuất yếu kém, thiếu vốn hoạt động, làm ăn thua lỗ, không có bạn hàng, đối tác để liên doanh - liên kết. 

Sau chuyển đổi, không ít HTX nông nghiệp chỉ tổ chức một số dịch vụ trên cơ sở các công trình từ HTX cũ chuyển sang, chủ yếu là thủy nông; cạnh đó, chưa thực hiện tốt các vấn đề có liên quan để làm rõ chức năng HTX đã chuyển đổi như quản lý vốn, tài sản, công nợ. Trong khi, năng lực quản lý của hội đồng quản trị yếu, thiếu tầm nhìn, thiếu kế hoạch sản xuất - kinh doanh và hiệu quả mang lại thấp; đa số thành viên hội đồng quản trị là người lớn tuổi nên không còn xông xáo, nhiệt huyết như trước đây.

Do đó, các vấn đề như kiến thức, kỹ năng lập chiến lược, kế hoạch kinh doanh và tìm kiếm thị trường, tiếp cận thị trường để bán sản phẩm... đang là thách thức đối với các HTX sau khi chuyển đổi. Một số HTX nông nghiệp không có điều kiện để tiếp tục hoạt động, không tháo gỡ được các khó khăn nên có nguy cơ phải giải thể để xác định lại loại hình tổ chức mới phù hợp.

NHỮNG TỒN TẠI DAI DẲNG

Năng lực nội tại hạn chế; thiếu nguồn lực đầu tư; cơ sở vật chất xuống cấp; công nghệ sản xuất lạc hậu... là những tồn tại dai dẳng của nhiều HTX. 

Ông Ngô Văn Phi - Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Minh (Đại Lộc) cho hay, năm 2015 đơn vị chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX 2012 và từ đó đến nay không ngừng nỗ lực trong xây dựng chiến lược sản xuất - kinh doanh, mở rộng dịch vụ. Trong số các gói dịch vụ của HTX, mô hình liên kết sản xuất giống cây trồng theo hướng hàng hóa mang lại lợi ích cho cộng đồng lớn nhất. Theo đó, hằng năm đơn vị hợp tác với các doanh nghiệp tổ chức cho hàng trăm hộ dân địa phương sản xuất 200 - 300ha giống lúa thuần, 50 - 100ha đậu xanh theo phương thức doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

“HTX cần đầu tư lắp đặt hệ thống máy sấy các loại hạt giống. Vừa rồi, HTX lắp đặt một máy sấy với tổng chi phí 300 triệu đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ 50%, tuy nhiên công suất của máy sấy này quá nhỏ. Điều chúng tôi mong muốn là xây dựng nhà xưởng bài bản và lắp đặt dàn máy sấy với công suất hoạt động 50 - 70 tấn/ngày, nhưng do nguồn vốn của đơn vị quá eo hẹp, cùng lúc không thể bỏ ra khoảng 5 tỷ đồng để triển khai phần việc này” - ông Phi nói.

Trong khi đó, ông Trần Văn Chạy - Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Phong (Điện Bàn) cho biết, do cơ sở hạ tầng yếu kém, hệ thống máy móc quá ít và lạc hậu, vốn tự chủ không có, vay ngân hàng thương mại thì không có tài sản giá trị lớn để thế chấp nên nhiều năm qua đơn vị cứ loay hoay trong cái cảnh “sống dở, chết dở”.

Ngoài thiếu vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, nhiều ý kiến nhìn nhận, mấu chốt của vấn đề phát triển kinh tế hợp tác là phải quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các HTX. Hiện trong số những HTX kiểu cũ đã chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX 2012 ở Quảng Nam, có rất nhiều người tuổi đã cao, thiếu nhiệt huyết với công việc.

“Trước đây, HTX Nông nghiệp Điện Phong có 8 người trực tiếp làm việc tại đơn vị, nay giảm một nửa vì không có nguồn chi trả lương. Trong số 4 người hiện có, giám đốc là Chủ tịch Hội Nông dân xã được tăng cường sang kiêm nhiệm chức vụ. Tôi là phó giám đốc, năm nay đã 70 tuổi, chẳng thể đủ sức xông xáo và nghĩ ra những cách làm hay, phù hợp với tình hình thực tế trong cơ chế thị trường. Tôi đã không ít lần xin nghỉ nhưng lãnh đạo địa phương động viên làm vì chưa có người thay” - ông Chạy cho biết thêm.

Theo ông Lê Ngọc Trung - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, với 459 HTX hiện có, Quảng Nam là một trong những địa phương dẫn đầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên về số lượng HTX. Tuy nhiên, số lượng nhiều nhưng chất lượng không cao, hầu hết HTX có quy mô sản xuất - kinh doanh nhỏ lẻ, hiệu quả mang lại thấp. Còn theo đánh giá của Sở Kế hoạch - Đầu tư, công tác thẩm định phương án, định hướng hoạt động tổ hợp tác (THT), HTX khi thành lập mới chưa chặt chẽ, một số nơi thành lập mới THT, HTX có biểu hiện đối phó để đạt tiêu chí số 13 trong bộ 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Việc theo dõi các THT, HTX sau khi thành lập chưa được quan tâm, dẫn đến một số THT, HTX hoạt động không hiệu quả, thậm chí có HTX gần như không hoạt động. Tình trạng một số HTX nông nghiệp đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau nhưng khi hoạt động thì chủ yếu tổ chức sản xuất - kinh doanh các dịch vụ phi nông nghiệp nhằm hưởng cơ chế, chính sách ưu tiên cho HTX nông nghiệp vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ...

CẦN CƠ CHẾ HỖ TRỢ PHÙ HỢP

Để dẫn dắt, kích thích kinh tế tập thể phát triển, Quảng Nam cần gầy dựng những HTX tiêu biểu, điển hình. Điều này, ngoài năng lực tự thân của HTX thì rất cần các chính sách hỗ trợ kịp thời, phù hợp.

Các HTX cần có những con người trẻ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và nhạy bén trong cơ chế thị trường để tạo ra hướng mới trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: S.A
Các HTX cần có những con người trẻ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và nhạy bén trong cơ chế thị trường để tạo ra hướng mới trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: S.A

Loại bỏ cơ chế không hiệu quả

Khi tiến hành xây dựng cơ chế mới, Sở Kế hoạch - Đầu tư đã tham mưu đề xuất không tiếp tục thực hiện 5 chính sách gồm: hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN); hỗ trợ đối với đội ngũ quản lý chủ chốt làm việc lâu năm trong HTX khi nghỉ việc; khuyến khích cán bộ quản lý, khoa học kỹ thuật đang công tác tại các cơ quan nhà nước về làm việc tại các HTX theo yêu cầu của cơ sở; xây dựng chương trình trợ giúp HTX phát triển sản xuất - kinh doanh; khuyến khích các HTX có chính sách riêng thu hút người có trình độ cao đẳng, đại học hoặc trên đại học và người có tay nghề cao về làm việc trong HTX.

Lý do là qua đánh giá sự phù hợp của từng cơ chế, chính sách hỗ trợ HTX trong thời gian qua (13 cơ chế, chính sách thuộc Nghị quyết số 124 của HĐND tỉnh - PV), bên cạnh một số cơ chế, chính sách đã phát huy hiệu quả, còn có một số chính sách chưa được triển khai thực hiện, chưa phát huy được tác dụng để hỗ trợ HTX.

Đơn cử, trong 5 năm qua, ngân sách tỉnh hỗ trợ lại cho 71 HTX đã nộp thuế TNDN với số tiền hơn 3,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, chính sách này được đề nghị không tiếp tục triển khai trong thời gian tới bởi số thuế TNDN của HTX nộp hằng năm ít, hồ sơ thủ tục phức tạp nên số lượng HTX lập hồ sơ thủ tục đề nghị hỗ trợ lại thuế TNDN không nhiều.

Trong khi đó, chính sách thu hút người có trình độ đại học về làm việc tại các HTX nông nghiệp cũng bộc lộ bất cập, khi chỉ áp dụng đối với HTX nông nghiệp chuyển đổi theo Luật HTX 2012. Điều này gây khó khăn cho các HTX kiểu mới trong việc thu hút nguồn nhân lực có trình độ đại học về làm việc.

Tương tự, chính sách tín dụng được kỳ vọng tạo động lực thúc đẩy các HTX phát triển, tuy nhiên việc triển khai trong thời gian qua cũng chưa thực sự hiệu quả. Trong 5 năm 2015 - 2020, toàn tỉnh chỉ hỗ trợ được 12 HTX với số tiền 426 triệu đồng. Ít HTX được hỗ trợ chính sách này là do gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng thương mại.

Ông Nguyễn Văn Tấn - Giám đốc HTX Duy Sơn (Duy Xuyên) chia sẻ: “Đa số HTX chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường làm ăn ít hiệu quả, thất bại là do trình độ cán bộ giới hạn, vốn liếng không có, đồng thời chỉ loay hoay với các loại hình dịch vụ truyền thống tại địa phương. Điều đó dẫn đến niềm tin đối với các tổ chức tín dụng không có”.

Bên cạnh những bất cập cụ thể nói trên, ông Trần Văn Ẩn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho rằng, mặc dù có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX của tỉnh đã được triển khai trong suốt thời gian qua, tuy nhiên số HTX tiếp cận và thụ hưởng các chính sách hỗ trợ còn hạn chế, đặc biệt là các huyện miền núi. Trong khi đó, một vài chính sách, hồ sơ thủ tục còn phức tạp, gây không ít khó khăn cho HTX.

Hỗ trợ phải đúng địa chỉ

Được sự phân công của UBND tỉnh, thời gian qua Sở Kế hoạch - Đầu tư tập trung xây dựng dự thảo đề án cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển HTX trong giai đoạn 2021 - 2025. Việc xây dựng đề án được triển khai kỹ càng và được lấy ý kiến rộng rãi từ các sở, ban ngành, địa phương cùng đại diện nhiều HTX.

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư, ngoài các nội dung hỗ trợ theo Quyết định số 1804 (ngày 13.11.2020) của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 - 2025”, tỉnh dự kiến ban hành thêm nhiều nội dung khác để hỗ trợ phát triển HTX cho phù hợp với tình hình thực tế của Quảng Nam.

Từng nội dung đi kèm với đối tượng ưu tiên hỗ trợ khác nhau. Một số chính sách được bổ sung so với trước (như chính sách ứng dụng công nghệ thông tin, HTX khởi nghiệp), đồng thời điều chỉnh và bổ sung một số quy định mới đối với các chính sách trước đây...

Theo tính toán, dự kiến ngân sách tỉnh sẽ bố trí khoảng 133 tỷ đồng để thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX ở Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, có 46 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 87 tỷ đồng vốn sự nghiệp. Ngoài ra, nỗ lực huy động nguồn vốn từ các HTX, ngân sách địa phương và các kênh vốn hợp pháp khác để thực hiện các hoạt động hỗ trợ.

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, đại diện một số HTX bày tỏ phấn khởi khi biết tỉnh sẽ tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách mới để hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các nội dung hỗ trợ phải mang tính thiết thực, đúng địa chỉ và có sự giám sát, đánh giá chặt chẽ.

Ông Phạm Văn Huệ - Giám đốc HTX Dầu thực vật Bảo Tâm (Tam Kỳ) cho rằng, các cơ chế, chính sách không nên hỗ trợ đại trà, mà nên tập trung vào các HTX có năng lực thực sự để “chắp cánh”, nâng đỡ họ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn. Đó phải là những HTX có tư duy kiểu mới, chế biến sâu, mang lại giá trị kinh tế cao.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tấn - Giám đốc HTX Duy Sơn (Duy Xuyên) nói, Nhà nước cần tính toán, định hướng phát triển cho các HTX nông nghiệp kiểu cũ sau chuyển đổi. Nếu giữ thì cần giao việc cho HTX và phải hỗ trợ đảm bảo cho HTX hoạt động để thay Nhà nước thực hiện nhiệm vụ công ích, phục vụ người dân nông thôn…

Ông Lâm Quang Thành - Phó Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, cần phải có chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho HTX, với nhiều giải pháp mang tính chiến lược. Bởi, việc phát triển HTX cần đến rất nhiều yếu tố như cơ chế chính sách, nguồn vốn, lao động, thị trường, khoa học kỹ thuật… Trong đó, nguồn lao động, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo, quản lý giữ vai trò quan trọng, quyết định thành công trong hoạt động của các HTX.

Chính sách hỗ trợ không dành cho những HTX yếu năng lực

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, quan điểm, tinh thần của cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển HTX trong giai đoạn 2021 - 2025 là hỗ trợ những HTX mạnh dạn làm ăn, có ứng dụng khoa học công nghệ, tiếp cận với những cái mới của Đảng, Nhà nước về phát triển HTX. Khuyến khích đối với HTX về sản xuất các sản phẩm OCOP, gắn kết chuỗi giá trị, sản xuất nông nghiệp sạch... chứ tỉnh không ban hành chính sách để giải quyết cho những đơn vị làm ăn kém hiệu quả, năng lực yếu. Cần tạo ra những “con chim đầu đàn”, những hạt nhân về phát triển HTX để làm mô hình chuyển đổi những HTX cũ và thành lập các HTX mới.

Giai đoạn tới, việc triển khai chính sách hỗ trợ không được làm manh mún, giao phân tán, mà phải hướng đến chuyên nghiệp, bài bản, làm đâu ra đó. Việc này cần chia đối tượng và tập trung đầu mối. Tổ hợp tác giao nhiệm vụ cho Hội Nông dân, còn HTX giao cho Liên minh HTX. Chứ không thể như trước giao cho địa phương rồi cũng làm cho xong, tiêu cho hết tiền. Cơ chế vay vốn tín dụng đối với HTX rất khó, do đó cần tập trung hướng HTX vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX; còn tổ hợp tác, hộ nông dân thì tiếp cận Quỹ phát triển nông dân... Muốn vậy, cần sửa đổi một số quy định của 2 quỹ này để HTX, tổ hợp tác dễ tiếp cận nguồn vốn.

 theo NGUYỄN SỰ - VINH ANH-báo quảng nam

Các tin khác:

[Trở về]

Đang tải dữ liệu ...
Đang tải dữ liệu ...
Đang tải dữ liệu ...
Đang tải dữ liệu ...
Đang tải dữ liệu ...
Đang tải dữ liệu ...
ĐĂNG NHẬP
Đăng nhập

LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH QUẢNG NAM

Địa chỉ: 26 Trần Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam

Điện thoại: 02353.859136; 02353.810266. Email: vanphonglienminh@gmail.com