Đổi mới, nâng cao hiệu quả các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã
(29/07/2021). Số lượt xem:917
Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025:
Chiều 27/7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 với 475/477 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 95,19% tổng số đại biểu Quốc hội). Một trong những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng của Nghị quyết này là: Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp; Hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã nông nghiệp và các tổ hợp tác; Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã, gắn với phát huy vai trò làm chủ, tăng cường lợi ích của thành viên.
Hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã nông nghiêp và các tổ hợp tác
Một trong những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng của Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 được Quốc hội thông qua là: Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Theo đó, đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp; phát triển kinh tế nông thôn và nông nghiệp hiệu quả cao gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, sinh thái, hữu cơ, công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 theo hướng gắn với quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã nông nghiệp và các tổ hợp tác. Phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu thụ đối với các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng. Rà soát lại diện tích đất trồng lúa; xây dựng chính sách để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong tình hình mới. Quản lý chặt chẽ, bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường sinh thái và phát triển dịch vụ môi trường rừng…
Hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn trong nước có khả năng cạnh tranh ở khu vực và quốc tế. Xây dựng và phát triển các định chế tài chính hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; hỗ trợ chuyển đổi hộ sản xuất, kinh doanh thành doanh nghiệp. Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã, gắn với phát huy vai trò làm chủ, tăng cường lợi ích của thành viên. Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động; tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%.
GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.700 - 5.000 USD
Nghị quyết nêu rõ: Mục tiêu tổng quát là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.dụng công nghệ cao trong sản xuất và liên kết sản xuất chuỗi tạo điều kiện cho các tổ hợp tác,
Mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch COVID -19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế; phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam và sức sáng tạo của mỗi cá nhân...
Một số mục tiêu cụ thể của nghị quyết là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%; GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.700 - 5.000 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; tuổi thọ trung bình đạt khoảng 74,5 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 67 năm…
Nghị quyết cũng đưa ra 12 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, như tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nhưng căn cứ vào tình hình thực tế và địa bàn cụ thể để lựa chọn ưu tiên, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân và an sinh xã hội; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng...
Trong đó, đẩy nhanh xây dựng khung chính sách, pháp luật phát triển hạ tầng số tiến tới chuyển đổi số quốc gia; xây dựng, thử nghiệm, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ cao; mô hình kinh tế chia sẻ; xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam; phát triển thương mại điện tử hài hòa với thương mại truyền thống; tập trung phát triển sản phẩm quốc gia; hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế, bảo đảm chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số…
Theo Vân Khánh-VCA