Khẳng định vai trò kinh tế tập thể
(29/03/2021). Số lượt xem:1007
Kinh tế tập thể (KTTT) ngày càng được khẳng định vai trò, vị trí trong sự phát triển của nền kinh tế. Do đó, việc đề ra các giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp để trợ lực cho loại hình này tiếp tục chuyển mình cần được thực hiện.
HTX Nông nghiệp Điện Quang (Điện Bàn) thu mua đậu phụng của nông dân để chế biến “dầu phụng Đất Phụng”, sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Ảnh: Công Tú.
Định vị vai trò
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng xác định, KTTT phát triển với nhiều hình thức đa dạng, trong đó hợp tác xã (HTX) là nòng cốt. Kinh tế nhà nước cùng với KTTT ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
“Ngoài nỗ lực của các HTX, cần phải khẳng định Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thời gian qua đã dành sự quan tâm đặc biệt cho KTTT, cùng với sự phối hợp của các sở, ban ngành và địa phương để loại hình có bước tiến đáng kể” - ông Võ Bảy, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh chia sẻ.
Nhờ sự quan tâm này và từ các chính sách hỗ trợ của nhà nước, số lượng HTX, tổ hợp tác (THT) hàng năm đều tăng; quy mô, lĩnh vực hoạt động được mở rộng. Một số HTX được củng cố, đổi mới mô hình tổ chức, hoạt động ngày càng phù hợp, không ngừng nâng cao thu nhập các thành viên, hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, tích cực tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP.
Theo ông Nguyễn Quốc Thành - Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Phong (Đại Lộc), là một xã nông nghiệp, nhưng quy mô sản xuất nhỏ hoặc rất nhỏ, phương thức sản xuất lạc hậu. Do vậy, nông dân phải bán nông sản thô, chưa được chế biến, nên thường bị thương lái ép giá. Giải bài toán này, HTX đã mạnh dạn đứng ra làm cầu nối trung gian cho doanh nghiệp và nông dân; vận động các hộ liên kết cùng canh tác một loại giống để đảm bảo chất lượng, nâng cao năng suất, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, bao tiêu đầu ra sản phẩm. Hiện nay, HTX hợp tác với nông dân phát triển 100ha lúa giống liên kết với chi nhánh của Công ty CP tập đoàn ThaiBinh Seed, hiệu quả kinh tế cao hơn 30% so với sản xuất lúa truyền thống.
Ở vùng cao Đông Giang, Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Tư - ông Lê Duy Trường chia sẻ, người tiêu dùng rất khắt khe, bên cạnh giá cả hợp lý, đòi hỏi sản phẩm phải đảm bảo các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm; truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu đầu vào... Nếu chè dây Ra zéh chỉ bán thô, bán nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình, không chế biến sâu thì đầu ra của sản phẩm sẽ bấp bênh, lợi nhuận thấp, không tạo được lòng tin của người tiêu dùng, khó cạnh tranh với sản phẩm khác.
Chính vì vậy, cuối năm 2017, HTX Nông nghiệp xã Tư thành lập và được giao làm đầu mối vận động trồng, khoanh nuôi, kết hợp thu mua và chế biến chè dây, tiếp thị sản phẩm thị trường, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. “Chè dây Ra zéh” được chứng nhận nhãn hiệu tập thể độc quyền, tham gia OCOP được xếp hạng 3 sao.
Cần tiếp tục quan tâm
Hoạt động của HTX, THT nhất là sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX năm 2012 không những cải thiện đời sống vật chất, đảm bảo an sinh xã hội, mà còn góp phần thay đổi nhận thức của người dân về hình thức tổ chức sản xuất theo hướng hiệu quả và theo nhu cầu của thị trường. Đồng thời có những đóng góp nhất định vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để khắc phục hạn chế còn tồn tại và phát huy hơn nữa vai trò của KTTT, theo ông Võ Bảy, còn nhiều phần việc phải được quan tâm thực thi trong thời gian đến, nhất là nâng cao nhận thức, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ HTX, THT một cách đồng bộ để khuyến khích sự phát triển của khu vực kinh tế này.
Ông Võ Bảy cho biết, UBND tỉnh đã giao triển khai thực hiện 10 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021. Theo đó, liên minh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng hình ảnh về phát triển KTTT, HTX; triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ có liên quan; vận động thành lập HTX hoặc liên hiệp HTX OCOP; tổ chức hội nghị HTX điển hình.
Đơn vị còn có trách nhiệm vận động, hỗ trợ các HTX tham gia hội chợ xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; tư vấn, hỗ trợ vốn vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh. Cạnh đó, xây dựng một số mô hình HTX kiểu mới theo chuỗi giá trị; nâng cao chất lượng hoạt động của nhà trưng bày sản phẩm truyền thống; tăng cường tư vấn, hỗ trợ để phát triển HTX cả về số lượng và chất lượng...
Liên minh HTX tỉnh đang điều tra, khảo sát các HTX để nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, phân loại và đánh giá theo quy định của Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Liên minh HTX Việt Nam. Thông qua đó, đơn vị cũng nắm bắt thực tế nhằm phục vụ tổ chức hội nghị điển hình tiên tiến HTX cấp tỉnh năm 2021; lập mô hình HTX OCOP. Đồng thời giúp cho UBND cấp huyện nắm bắt thông tin xây dựng, phát triển KTTT, HTX; xây dựng mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực ở địa phương.
CÔNG TÚ
(Báo Quảng Nam, số ra ngày 26/3/2021)