Điểm sáng hợp tác xã phi nông nghiệp.
(13/10/2022). Số lượt xem:500
Ra đời cách đây 23 năm, Hợp tác xã Mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ, tiền thân là Xí nghiệp Mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ (Núi Thành), đã chứng tỏ được năng lực thật sự của mình với bề dày hoạt động, là điển hình của đơn vị kinh tế tập thể phi nông nghiệp.
Ông Nguyễn Trường Thiên với các sản phẩm từ mây tre lá của HTX Mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ. Ảnh: CT
Ông Nguyễn Trường Thiên - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ nhớ lại, hơn 23 năm về trước, khi đề đạt ý định xin phép cấp thẩm quyền thành lập xí nghiệp hoạt động theo Luật HTX, nhiều người tỏ ra nghi ngờ về thành công của mô hình này.
Ông Thiên không nản lòng, để đến tháng 3/1999, UBND huyện Núi Thành đã ký quyết định thành lập xí nghiệp thuộc lĩnh vực kinh tế HTX, chuyên khai thác, chế biến nguyên liệu sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; trồng rừng và khôi phục các nguồn nguyên liệu sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.
Dưới sự hướng dẫn và quản lý trực tiếp của Liên minh HTX tỉnh và UBND huyện Núi Thành, ban giám đốc và người lao động của xí nghiệp - chủ yếu là lao động trẻ tại địa phương với tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vừa kết hợp sản xuất nông nghiệp, vừa làm gia công sản xuất mây tre xuất khẩu.
HTX Mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ giải quyết nhiều lao động tại địa phương. Ảnh: KK
Trưởng phòng Kế hoạch - kiểm tra Liên minh HTX tỉnh, ông Đặng Văn Tính cho biết, HTX Mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ luôn thực hiện tốt chế độ bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội cho công nhân, xem họ là động lực vừa là mục tiêu của sự phát triển, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi đua lao động sản xuất.
Âu Cơ là điển hình của kinh tế hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đơn vị vẫn ổn định sản xuất, giải quyết 50 - 100 lao động với mức lương 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2021, Âu Cơ sản xuất được 245.000 sản phẩm giỏ mây các loại, khay mây, lu tròn, rương đựng quần áo, giỏ đựng trái cây, bàn ghế bằng mây tre, đồ dùng trang trí nội thất khác theo đơn đặt hàng của các nước châu Âu, châu Á, các nhà hàng, khách sạn trong nước và được đối tác đánh giá cao về uy tín, chất lượng.
Để có được kết quả này, đơn vị đã áp dụng biện pháp phù hợp trong tổ chức, thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; ứng dụng công nghệ mới, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật tiên tiến; tổ chức lực lượng sản xuất hợp lý trong bối cảnh có gần 90% là lao động nữ...
Ông Nguyễn Trường Thiên cho biết để phát triển sản xuất kinh doanh bền vững, ngoài vùng nguyên liệu sẵn có, HTX còn đầu tư trồng 28ha mây tại địa bàn huyện Núi Thành.
Tháng 7 vừa qua, HTX đã phối hợp cùng Tỉnh đoàn làm việc với Nam Giang để xin chủ trương và được huyện thống nhất với đề xuất trồng 600ha mây nước dưới tán rừng trong diện tích đất được Nhà nước giao khoán cho người dân tại Làng Thanh niên lập nghiệp.
Cùng với đó, tổ chức đào tạo nghề mây thủ công mỹ nghệ cho thanh niên ở địa phương. Các thủ tục đang được các bên liên quan triển khai, để góp phần khôi phục nghề truyền thống, giải quyết việc làm, tạo nguồn nguyên liệu ổn định.
CÔNG TÚ – báo quảng nam