Hiệu quả chuyển đổi hoạt động hợp tác xã
(18/02/2022). Số lượt xem:341
Chuyển đổi hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã thoát khỏi nguy cơ phá sản và phát triển bền vững.
Cánh đồng bắp lai TBM18 vừa được HTX Nông nghiệp Đại Thắng trồng thử nghiệm. Ảnh: K.K
Đóng tại thôn Phú Bình (xã Đại Thắng, Đại Lộc), năm 2010, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Đại Thắng (thành lập năm 1979) đứng bên bờ vực bị phá sản. Trước tình hình ấy, địa phương đã tăng cường bí thư đoàn xã về nắm giữ vị trí chủ nhiệm HTX để củng cố, duy trì hoạt động. Bổ sung “chất xám” cho vị trí lãnh đạo, đơn vị đã vận động, tiếp nhận một cán bộ trẻ về làm việc.
Cụ thể, năm 2013 ông Hoàng Trung Hùng được giao quyền Chủ nhiệm HTX, sau khi chủ nhiệm được địa phương rút về đảm nhận Phó Chủ tịch UBND xã. Đến năm 2015, HTX Nông nghiệp Đại Thắng tiến hành đại hội, chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, ông Hoàng Trung Hùng được bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc.
Thực hiện nghị quyết đại hội, đơn vị là HTX đầu tiên trên địa bàn tỉnh triển khai thành công xác định cổ phần xử lý công nợ từ thời kỳ tập trung bao cấp để lại và đã xác định 88 thành viên đích thực; làm minh bạch về tài chính và không còn nợ xấu, nợ khó đòi.
Giám đốc Hoàng Trung Hùng cho biết, nhiệm kỳ 2021 - 2025 HTX mở rộng quy mô dịch vụ sấy nông sản, gạo an toàn nhằm tiến tới sản phẩm OCOP, thức ăn gia súc, tăng mệnh giá cổ phần từ 500 nghìn đồng lên 1 triệu đồng.
Các dịch vụ khác gồm ép dầu (năm 2020 “Dầu phộng an toàn Đại Thắng” đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao), thủy lợi, cung ứng vật tư nông nghiệp, bảo vệ thực vật, liên kết sản xuất lúa giống, cấp nước sinh hoạt, giết mổ gia súc tập trung sẽ được duy trì.
HTX còn liên kết với các công ty sản xuất từ 130 - 155ha lúa giống, bao tiêu từ đầu vào đến đầu ra cho nông dân, lợi nhuận cao từ 1,2 đến 1,5 lần so với lúa thương phẩm.
Vụ đông xuân 2021 - 2022, HTX liên kết với doanh nghiệp thử nghiệm trồng 1,6ha lúa lai và 2ha bắp lai TBM18 hứa hẹn cho hiệu quả kinh tế cao trên cùng đơn vị diện tích, tiến tới nhân rộng. Với hoạt động của mình, đơn vị góp phần xây dựng thành công xã nông thôn mới các tiêu chí về tổ chức sản xuất, thủy lợi, môi trường, điện.
Theo ông Đặng Văn Tính, Trưởng phòng Kế hoạch - kiểm tra Liên minh HTX tỉnh, nhiều HTX kiểu cũ sau khi chuyển đổi mô hình theo Luật HTX năm 2012 đã thật sự “lột xác” cả về quy mô và chất lượng. Tiêu biểu như một số HTX ở Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên hay HTX Nông nghiệp Phú Đông đóng tại xã Tam Xuân 1 (Núi Thành).
Để có bước tiến nêu trên, trước hết, nhận thức về chức danh đã thay đổi, tư cách thành viên được xác lập đúng thực tế để họ đóng góp đầy trách nhiệm vào sự tồn tại, phát triển của tổ chức mình tham gia. Những đơn vị này mở rộng thêm các ngành nghề khác nhằm thích ứng với cơ chế thị trường, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
“Sau khi chuyển đổi, HTX thu hút được cán bộ trẻ có trình độ về cống hiến, phát triển đồng bộ mọi mặt. Đáng ghi nhận, hoạt động của HTX chuyển đổi góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, điển hình là xây dựng nông thôn mới, OCOP, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị...” - ông Tính nói.
KHẢI KHIÊM – báo quảng nam