Hợp tác xã quản lý chợ
(13/10/2022). Số lượt xem:493
Mô hình hợp tác xã tham gia quản lý chợ đang thể hiện nhiều tính ưu việt. Tuy nhiên, muốn những “bà đỡ” này phát huy tốt hơn vai trò của mình, đồng thời nhân rộng mô hình thì cần phải tháo gỡ không ít hạn chế.
Chợ Bắc Trà My được giao cho HTX quản lý, khai thác. Ảnh: CT
Chuyển động ban đầu
Ở thị trấn Trà My, chợ Bắc Trà My trước đây được UBND huyện Bắc Trà My giao cho một đơn vị sự nghiệp trực thuộc quản lý, khai thác kinh doanh. Nhưng do nhiều lý do khác nhau, địa phương quyết định chuyển giao cho một đơn vị kinh tế tập thể khai thác, đó chính là Hợp tác xã (HTX) Thương mại và dịch vụ Bắc Trà My.
Giám đốc HTX Thương mại và dịch vụ Bắc Trà My - ông Nguyễn Quốc Hùng cho hay, đơn vị thành lập vào năm 2020 và sẽ nhận bàn giao quản lý, khai thác chợ Bắc Trà My theo hình thức O&M (Hợp đồng kinh doanh - quản lý).
Tại chợ hiện có khoảng 280 hộ tiểu thương tham gia buôn bán, kinh doanh. HTX đang từng bước tiếp cận, nhận chuyển giao và quá trình này luôn được sự hỗ trợ, hướng dẫn chu đáo của huyện và thị trấn Trà My để sớm ổn định hoạt động.
Năm 2018, chợ Phú Thuận (xã Đại Thắng, Đại Lộc) được nâng cấp với 42 nhà lồng chính, 47 nhà lồng phụ. Một năm sau, địa phương quyết định giao cho HTX Quản lý, kinh doanh khai thác chợ Phú Thuận tiếp nhận, tổ chức hoạt động. Đơn vị này chuyên quản lý về lĩnh vực kinh tế chuyên ngành và xử lý môi trường.
Ông Tiết Đinh Vương - Giám đốc HTX Quản lý, kinh doanh khai thác chợ Phú Thuận chia sẻ, nhờ có sự hỗ trợ của địa phương và đồng thuận của nhân dân, hoạt động của chợ chuyển biến ngày càng tích cực.
Hộ tiểu thương ổn định buôn bán, thu hút khách hàng không chỉ vùng B của Đại Lộc mà còn ở một số xã vùng tây huyện Duy Xuyên đến giao dịch. Để môi trường kinh doanh thuận lợi, HTX đầu tư thêm mái che nhà để xe, sửa chữa các máng xối nhà lồng phụ… Công tác phòng chống dịch Covid-19 và phòng cháy chữa cháy luôn được quan tâm thực hiện.
Tiểu thương buôn bán ổn định tại chợ Phú Thuận. Ảnh: CT
Tại vùng Gò Nổi, HTX Nông nghiệp Điện Quang (Điện Bàn) nhiều năm qua cũng được giao quản lý, khai thác chợ. Từ ngày có sự vào cuộc của “bà đỡ” này, hoạt động của chợ Bảo An chuyển biến tốt hơn, góp phần đưa địa phương về đích “Xã nông thôn mới nâng cao” và đang phấn đấu để đạt tiêu chí “Xã nông thôn mới kiểu mẫu”.
Theo ông Võ Bảy - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, mô hình HTX quản lý chợ đã từng bước góp phần ổn định tổ chức, hoạt động của chợ ở địa phương. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn tiểu thương thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, ứng xử lịch thiệp trong kinh doanh được quan tâm đúng mức.
Đơn vị quản lý còn năng động liên kết để thu mua hàng nông sản sạch, có nguồn gốc rõ ràng để phân phối lại cho tiểu thương, từ đó cung cấp sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cần tháo gỡ hạn chế
Lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có 8 HTX được giao quản lý, kinh doanh chợ. Mô hình HTX quản lý chợ hiện nay với phần lớn thành viên là tiểu thương tham gia kinh doanh.
Mục tiêu hoạt động của HTX hướng đến quyền lợi của tiểu thương, thông qua đó góp phần giải quyết các vấn đề về an sinh - xã hội, chấm dứt tình trạng xung đột, khiếu nại, khiếu kiện, tranh giành mặt bằng xảy ra ở một số chợ trong thời gian qua. HTX quản lý chợ còn chú trọng xây dựng văn hóa thương mại, văn hóa kinh doanh và vệ sinh an toàn thực phẩm ở các gian hàng ăn uống, thực phẩm...
So với các chợ do tư nhân đấu thầu khai thác, Nhà nước có thể chuyển giao cơ sở hạ tầng chợ cho HTX dưới hình thức thuê đất hoặc thuê tài sản. Cơ sở hạ tầng này sẽ là tài sản không chia của HTX do Nhà nước hỗ trợ.
Nếu HTX không còn tồn tại, tài sản được chuyển trả lại cho Nhà nước theo quy định. HTX chủ động về tài chính, đầu tư nâng cấp trang thiết bị phục vụ cho chợ và quản lý điều hành không phải phụ thuộc ngân sách.
Tuy nhiên, ông Võ Bảy nhìn nhận, số lượng HTX quản lý chợ trên địa bàn tỉnh còn quá ít; hiệu quả hoạt động của một số đơn vị chưa cao; năng lực quản lý, điều hành nhiều hạn chế. Trong khi đó, chính quyền một số địa phương chưa thật sự quan tâm, hỗ trợ phát triển mô hình HTX quản lý chợ.
Để tháo gỡ hạn chế, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức, tạo môi trường thuận lợi cho HTX phát triển cần được tiến hành thường xuyên. Nhân rộng mô hình HTX quản lý chợ, HTX tham gia quản lý chợ; tư vấn, hỗ trợ thành lập mới các HTX quản lý chợ một cách bài bản.
Các cơ quan liên quan cần bố trí cán bộ chuyên trách theo dõi, quản lý, cập nhập tình hình tổ chức và hoạt động của HTX trên lĩnh vực mình phụ trách; áp dụng mạnh mẽ các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX do Trung ương, địa phương ban hành.
Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền địa phương phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, HTX; triển khai thực hiện có hiệu quả quyết định của UBND tỉnh về chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt động của HTX.
CÔNG TÚ - ĐẶNG TÍNH