Chuyển động mô hình kinh tế hợp tác
(03/08/2020). Số lượt xem:1068
Từ thực tế hoạt động hiệu quả của mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh, ngành chức năng chú trọng giải ngân vốn, tạo đòn bẩy giúp các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) mở rộng quy mô phát triển trong thời gian đến.
Anh Nguyễn Chí Công với mô hình nuôi dế của HTX Thanh Thủy. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Khẳng định vị thế
Vượt qua khó khăn trong bước đầu khởi nghiệp, chị Nguyễn Thị Thủy cùng chồng là anh Nguyễn Chí Công (thôn Tân Phú, xã Tam Phước, Phú Ninh) lập nên HTX Thanh Thủy. Đều đặn mỗi tháng, HTX Thanh Thủy xuất bán 500kg dế thương phẩm cho các nhà hàng và tư thương trong ngoài tỉnh.
Chị Thủy cho biết, nuôi dế không khó nhưng để tạo dựng chỗ đứng trên thị trường thì không dễ. HTX đã chọn hướng đi là nuôi dế sạch, không dùng cám công nghiệp mà cho dế ăn bằng bã gạo, bắp rang và các loại rau tự trồng...
“Qua học hỏi, tham quan, chúng tôi xây dựng mô hình nuôi dế riêng, con giống rất chất lượng, quy trình nuôi sạch, không tác động xấu đến môi trường. Có được thành công ngày hôm nay nhờ vào nguồn vốn vay hơn 200 triệu đồng của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Quảng Nam” - chị Thủy nói.
Cùng với nuôi dế, HTX đầu tư nuôi gà thịt. Mỗi tháng, HTX cung cấp ra thị trường hơn 2 nghìn con gà thương phẩm. “Lợi nhuận mỗi tháng của HTX hơn 40 triệu đồng. Chúng tôi dự tính tăng quy mô sản xuất từ 50 gian nuôi dế lên 100 gian và 11 trại nuôi gà lên 22 trại. Nhờ tích lũy vốn liếng, kinh nghiệm nên chúng tôi rất kỳ vọng về chặng đường phát triển sắp tới” - anh Nguyễn Chí Công nói.
Ông Võ Bảy - Chủ tịch Liên minh HTX Quảng Nam cho biết, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 384 HTX, 3 Quỹ tín dụng nhân dân và 2.500 THT đang hoạt động. Kinh tế tập thể trên địa bàn tự vận động, chuyển đổi sâu sắc, không ngừng nâng cao chất lượng. Số lượng HTX được thành lập mới luôn tăng cao, quy mô hoạt động và phạm vi đầu tư sản xuất, kinh doanh ngày càng mở rộng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh của các HTX, THT càng được tăng cường. Việc gắn kết hoạt động kinh tế tập thể với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực.
“Khi kinh tế tập thể tạo động lực trong xây dựng nông thôn mới, OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), đời sống của hàng nghìn lao động ngày càng được nâng cao, thay đổi bộ mặt nông thôn” - ông Võ Bảy nói.
Vai trò “bà đỡ”
Nỗ lực khởi nghiệp bằng cách tiếp nối nghề truyền thống chế biến nước mắm của quê hương, anh Lê Văn Lợi - Giám đốc HTX Nông nghiệp & kinh doanh tổng hợp Cát Trắng (thôn Hòa Thượng, xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) đã tiếp cận, vay 800 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Quảng Nam để đầu tư quy trình chế biến nước mắm khép kín. Quy trình này khắc phục điểm yếu của chế biến nước mắm truyền thống là bay mùi và thay đổi màu sắc từ đỏ sang sậm. Theo đó, tăng thêm hương vị của nước mắm Tam Thanh truyền thống.
“Tôi đầu tư quy trình chế biến nước mắm theo công nghệ mới tốn hơn 2 tỷ đồng. Vạn sự khởi đầu nan, nguồn vốn vay của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Quảng Nam đã tiếp sức chúng tôi rất nhiều” - anh Lê Văn Lợi nói.
Ông Nguyễn Hữu Ngộ - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Quảng Nam cho biết, nguồn vốn vay ưu đãi đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nhiều HTX, THT mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, góp phần tăng doanh thu, thu nhập, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương. Từ đó hình thành nhiều HTX, THT tiêu biểu như HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa (Đại Lộc), HTX Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Đại Hiệp (Đại Lộc) báo cáo thành tích điển hình toàn quốc. Cũng từ vốn vay ưu đãi, nhiều HTX kiểu mới tạo dựng chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực của địa phương. Trong thời gian tới, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Quảng Nam sẽ tổ chức hội nghị, tập huấn, hướng dẫn trình tự, thủ tục vay vốn để các HTX, THT tiếp cận, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
VIỆT NGUYỄN