tiếng Việt tiếng Anh
Đăng nhập
Chào mừng đến với website Liên minh hợp tác xã Quảng Nam.

Hợp tác xã Nông nghiệp Ái Nghĩa: Mô hình kinh doanh hiệu quả

(16/04/2021). Số lượt xem:1187

Thời gian qua, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Ái Nghĩa (thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc) không ngừng tìm tòi, áp dụng các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Nông dân thị trấn Ái Nghĩa bên giống lúa mẹ đang ngậm sữa. Ảnh: Khải Khiêm. 

 

Những ngày này, cứ vào gần trưa, hàng trăm nông dân tại Ái Nghĩa lại ra cánh đồng chuyên canh lúa giống, cứ 2 người cầm 2 đầu dây kéo qua cây lúa bố trên một thửa ruộng để phấn hoa bông lúa bố bay sang thụ phấn cho bông lúa mẹ. Với lúa giống, lúa mẹ không thể thụ phấn được, nên phải chờ quãng giữa trưa, hoa lúa bố bung nở là thực hiện quy trình trên. Việc kéo phấn lặp lại trong vòng 1 tuần lễ, sau đó khoảng vài ngày hạt lúa trên bông lúa mẹ sẽ căng sữa.

“Vất vả nhưng chúng tôi không nản chí, vì làm lúa giống cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với lúa thương phẩm” - lão nông Lê Hữu Anh (thành viên HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa) chia sẻ. Các cánh đồng lúa tại Ái Nghĩa do HTX quản lý chia làm nhiều trà khác biệt, canh tác nhiều loại giống khác nhau. Thời điểm này có trà lúa mẹ đang ngậm sữa, có trà gần kết thúc quá trình thụ phấn, có trà sắp sửa tiến hành thụ phấn.

Ông Trương Cảm - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa cho biết, đơn vị từng bước khẳng định được vai trò hỗ trợ kinh tế hộ cho thành viên; tập trung sản xuất lúa giống theo chuỗi liên kết trên hơn 200ha, liên kết tiêu thụ với nhiều công ty giống tầm cỡ. Lợi nhuận từ canh tác lúa giống cao 2,5 - 3 lần so với lúa thương phẩm, tính ra một sào lãi khoảng 4 triệu đồng, đã góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống thành viên.

Để nâng cao giá trị lúa gạo hàng hóa, HTX đầu tư dây chuyền máy chế biến gạo, bánh tráng và từ đó xây dựng thương hiệu sản phẩm theo chuỗi giá trị “Gạo an toàn Ái Nghĩa” (sản phẩm OCOP hạng 3 sao), “Bánh tráng Đại Lộc (sản phẩm OCOP hạng 4 sao) và được Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh nằm trong tốp sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu toàn quốc. HTX còn cung ứng các dịch vụ đầu vào cho thành viên như thủy lợi, làm đất, thu hoạch, vận chuyển, sấy, giết mổ gia súc gia cầm, vật tư nông nghiệp… Mỗi năm, HTX thu về bình quân 20 tỷ đồng, lợi nhuận 200 - 300 triệu đồng.

“Thành công của HTX hôm nay là nhờ sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành. Ngoài tư vấn, Liên minh HTX Quảng Nam thông qua cơ chế chính sách của tỉnh đã hỗ trợ thu hút một cán bộ trẻ có trình độ đại học về làm việc tại đơn vị, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận với Tổ chức Agriterra (Hà Lan) trong đào tạo, nâng cao năng lực quản trị, điều hành cho cán bộ HTX; tổ chức tham quan nhiều mô hình hiệu quả trong nước và quốc tế; hỗ trợ nguồn lực tài chính” - ông Trương Cảm chia sẻ. Với thành tích những năm qua, HTX được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, cùng nhiều bằng khen, cờ, giấy khen khác của các cấp.

                                                                                                                KHẢI KHIÊM

                                                             (Theo Báo Quảng Nam, số ra ngày 16/4/2021)

Các tin khác:

[Trở về]

Đang tải dữ liệu ...
Đang tải dữ liệu ...
Đang tải dữ liệu ...
Đang tải dữ liệu ...
Đang tải dữ liệu ...
Đang tải dữ liệu ...
ĐĂNG NHẬP
Đăng nhập

LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH QUẢNG NAM

Địa chỉ: 26 Trần Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam

Điện thoại: 02353.859136; 02353.810266. Email: vanphonglienminh@gmail.com