tiếng Việt tiếng Anh
Đăng nhập
Chào mừng đến với website Liên minh hợp tác xã Quảng Nam.

Phát triển Hợp tác xã nông nghiệp theo chuỗi: Xu hướng tất yếu

(28/01/2019). Số lượt xem:1156

Để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, việc xây dựng và phát triển mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm với vai trò nòng cốt là các hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) được xem là hướng đi tất yếu.

 

Mô hình liên kết với doanh nghiệp sản xuất hạt giống lúa lai thế hệ F1 theo chuỗi giá trị của Hợp tác xã nông nghiệp Ái Nghĩa (Đại Lộc) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: P.Đ
Mô hình liên kết với doanh nghiệp sản xuất hạt giống lúa lai thế hệ F1 theo chuỗi giá trị của Hợp tác xã nông nghiệp Ái Nghĩa (Đại Lộc) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: P.Đ

Thách thức từ hội nhập

Theo Liên minh HTX Việt Nam, hiện nay trong tổng số gần 13 nghìn HTXNN trên cả nước, đã có hơn 96% chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Tuy nhiên, đối với những đơn vị đã chuyển đổi, hiện có khoảng 45% HTX hoạt động hiệu quả, còn lại cần phải có sự hỗ trợ từ nhiều phía để nâng cao năng lực quản trị, sản xuất – kinh doanh, xúc tiến thương mại… Trong khi đó, theo mục tiêu của đề án do Chính phủ ban hành, đến năm 2020 toàn quốc phải phát triển được 15 nghìn HTX và liên hiệp HTXNN hoạt động có hiệu quả, đặc biệt là làm hạt nhân liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp để tạo ra chuỗi khép kín từ khâu sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu đến chế biến, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm.

Tại cuộc hội thảo chuyên đề “Phát triển HTXNN theo chuỗi – kinh nghiệm & thực tiễn” do Liên minh HTX Việt Nam và Tổ chức Hỗ trợ phát triển Hà Lan - Agriterra phối hợp tổ chức tại TP.Tam Kỳ mới đây, nhiều ý kiến cho rằng hơn một nửa HTXNN hiện nay hoạt động chưa hiệu quả là xuất phát từ thực trạng sản xuất nông nghiệp mang tính nhỏ lẻ, phân tán và chưa tạo ra được sản phẩm đồng nhất về chất lượng, đảm bảo an toàn, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Trong khi phần lớn doanh nghiệp chưa mặn mà với việc kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp và thiếu niềm tin trong các hình thức liên kết. Cạnh đó, các trung gian phân phối vật tư đầu vào như giống, phân bón, thức ăn, thuốc bảo vệ thực vật…, và cả đầu ra của sản phẩm thường chạy theo lợi ích cục bộ, ít tư duy lâu dài cho lợi ích của người sản xuất.

Ông Lê Văn Nghị - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết, nước ta từ khi hội nhập đến nay đã ký kết hiệp định thương mại tự do với gần 20 quốc gia và khu vực, tương đương 2/3 lãnh thổ và hơn 70% dân số thế giới có quan hệ thương mại tự do với Việt Nam. Điều này đòi hỏi sản phẩm sản xuất ra muốn tiêu thụ được thì phải tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Không một quốc gia, một sản phẩm nào được đứng ngoài cuộc, đứng ngoài chuỗi giá trị này. Ông Nghị nhấn mạnh: “Để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thì sản xuất không thể nhỏ lẻ, càng không thể cứ sản xuất mà không biết đến thị trường. Sản xuất phải theo nhu cầu, phải có đầu ra, không theo phong trào và thị trường phải là mệnh lệnh của sản xuất. Muốn vậy, cần phải thực hiện theo chuỗi khép kín sản xuất - chế biến - tiêu thụ trên cơ sở đẩy mạnh việc liên kết, hợp tác”.

Kinh nghiệm của Quảng Nam

Theo ông Võ Bảy – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, Quảng Nam hiện có 329 HTX, trong đó có 243 HTXNN (chiếm 73,8%), chủ yếu hoạt động ở khu vực nông thôn, thu hút gần 121 nghìn thành viên tham gia, là “bà đỡ” cho kinh tế hộ ở nông thôn. Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thời gian qua các HTXNN trong tỉnh đã tích cực tham gia sản xuất theo chuỗi với các hình thức phù hợp để nâng cao giá trị và sức mạnh cạnh tranh cho nông sản. Nổi bật là Liên minh HTX tỉnh đã hợp tác với Tổ chức Agriterra (Hà Lan) xây dựng và phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị hàng hóa tại 4 HTX gồm: HTXNN Ái Nghĩa (Đại Lộc), HTX Hiệp Thuận (Hiệp Đức), HTX Điện Quang (Điện Bàn), HTX Duy Đại Sơn (Duy Xuyên).

Ông Trương Cảm - Giám đốc HTXNN Ái Nghĩa cho biết, động lực để HTX vực dậy sau khi chuyển sang cơ chế thị trường chính là việc mạnh dạn trong liên kết giữa “4 nhà”, gồm nhà nước - nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học để tạo ra một chuỗi giá trị cho sản phẩm từ cây lúa. Cụ thể, trong tổng số 332ha đất lúa hiện có, mỗi vụ HTX liên kết với 6 doanh nghiệp tổ chức sản xuất tập trung từ 150 - 200ha hạt giống lúa lai thế hệ F1 và 50ha hạt giống lúa thuần, lúa thương phẩm theo hướng an toàn. Thành viên của HTX được cung cấp toàn bộ dịch vụ đầu vào và sản phẩm sản xuất ra được bao tiêu toàn bộ, lợi nhuận mang lại cao gấp 2,5 - 3 lần so với làm lúa thường. Tổng doanh thu hàng năm của HTX bình quân đạt 18 tỷ đồng.

Trong khi đó, thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị, năm 2017 HTX Điện Quang đã liên kết với nông dân địa phương xây dựng 10ha đậu phụng chuyên canh để chủ động cung ứng nguồn nguyên liệu chế biến dầu phụng mang thương hiệu “Đất Quảng”. Đây là sản phẩm được chọn trong việc thực hiện Chương trình OCOP năm 2018 của tỉnh. Ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc HTX Điện Quang chia sẻ: “Thời gian qua, việc triển khai thực hiện chuỗi giá trị dầu phụng “Đất Quảng” của đơn vị chúng tôi đã được Tổ chức Agriterra hỗ trợ về mặt kỹ thuật, thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, nâng cao năng lực kinh doanh, marketing… Nhờ đó, đã góp phần đưa thương hiệu dầu phụng “Đất Quảng” vươn xa ra thị trường trong và ngoài tỉnh”.

NHÃ PHƯƠNG – ANH ĐÔNG

Theo nguồn báo Quảng Nam

Các tin khác:

[Trở về]

Đang tải dữ liệu ...
Đang tải dữ liệu ...
Đang tải dữ liệu ...
Đang tải dữ liệu ...
Đang tải dữ liệu ...
Đang tải dữ liệu ...
ĐĂNG NHẬP
Đăng nhập

LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH QUẢNG NAM

Địa chỉ: 26 Trần Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam

Điện thoại: 02353.859136; 02353.810266. Email: vanphonglienminh@gmail.com